Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

THƠ TRẺ HUẾ - BÁO HIỆU SỰ CHUYỂN DÒNG - HOÀNG THỤY ANH

Gọi thơ trẻ Huế, có nhiều cách hiểu. Ở bài này, người viết chọn cách hiểu thơ của những người trẻ, cụ thể là từ độ tuổi 7x trở về sau. Có thể khẳng định, ở Huế, có một đội ngũ thơ trẻ. Xin được liệt kê các gương mặt trẻ: “Hoa cúc mùa thu”, “Lá tháng Chạp”, “Quang gánh và những bài thơ khác” của Phạm Nguyên Tường; “Người đi chăn sóng biển” của Văn Cầm Hải;“Điệp ngữ tình” của Nguyễn Lãm Thắng; “Linh Ngọc”, “Vông vang” của Lê Tấn Quỳnh; “Thơ đá”, “Mưa kim cương”, “Người đàn bà che mặt” của Đông Hà; “Truồi” của Ngô Công Tấn; “Khúc đêm”, “Miền yêu” của Châu Thu Hà; “Kí ức xanh”, “Ngày không nhớ” của Lê Vĩnh Thái; “Người ngủ muộn” của Fan Tuấn Anh; Hải Trung; “Bốn mùa yêu”, “Gọi em ở cuối thiên đường” của Lưu Ly; “Lập Thiền”, “Khi người ta cúi mặt” của Nhụy Nguyên; “Tái tạo” của Luân Nguyễn… Ngoài đội ngũ thơ trẻ có sản phẩm, Huế còn nhiều cây bút khác như: Nguyễn Anh Dân, Tạ Xuân Hải, Lê Trà Linh, Hoàng Thị Thiều Anh… Những sáng tác của các tác giả này chưa in thành sách nhưng cũng ít nhiều đã góp phần bổ sung lực lượng sáng tác thơ trẻ ở Huế.

Đội ngũ khá hùng hậu, nhưng chưa mạnh, chưa có những danh thơ như thời Ngô Kha, Trần Quang Long, Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm và thế hệ tiếp nối từ sau 1975.

Sự thành công của người viết trẻ bao gồm sự tác động của cả hai yếu tố: chủ quan và khách quan. Về yếu tố chủ quan: bầu nhiệt huyết, lòng đam mê của nội lực trẻ; thích tìm tòi, khám phá, nhanh nhạy tiếp cận cái mới, có ý thức sáng tạo, chịu được làn roi của dư luận trước vấn đề mà mình thể nghiệm; vốn ngoại ngữ; ý thức được vai trò của mình đối với sứ mệnh thi ca; mong muốn khẳng định cá tính của mình. Về yếu tố khách quan: sự chuyển hướng, vận động của thơ ca trong xu thế toàn cầu hoá, ngôi nhà thơ trở nên đa dạng về mẫu mã (thơ hậu hiện đại, thơ trình diễn, thơ tân hình thức,...); sân chơi thông thoáng, cởi mở; thời đại của công nghệ thông tin; hình thức PR. Những yếu tố chủ quan và khách quan ảnh hưởng, chi phối đến quá trình sáng tác của các cây bút trẻ. Người theo trường phái này, người theo trường phái khác, người ảnh hưởng kiểu sáng tác của nhà văn này, người ảnh hưởng sáng tác của nhà văn khác… Cách xuất phát điểm có thể khác nhau nhưng họ đều giống nhau ở một điểm: khát khao cống hiến sức trẻ của mình vào công cuộc làm mới thơ. Thơ trẻ Huế có nhiều điểm riêng chung so với các vùng miền thơ ca khác. Những điểm riêng chung ấy cũng hệ luỵ đến những mặt tích cực và hạn chế của thơ trẻ Huế.

Thứ nhất, đặc trưng của vùng đất cố đô, nếp sống và nếp nghĩ của người Huế đậm nét trong các sáng tác của các nhà thơ trẻ. Có người cho rằng, thơ trẻ Huế ít viết về đất Thần kinh, nhưng nếu khảo sát kĩ các tập thơ của họ, chất thơ mộng của Huế vẫn là nguồn cảm hứng của nhiều cây bút. Họ gửi gắm tình cảm của mình với quê hương, với con người nơi đây. Bản sắc văn hoá Huế không hề trộn lẫn với các vùng miền khác, từ điệu nói, điệu nghĩ, điệu cảm của con người nơi đây. Những bài thơ: “Mùa” của Hải Trung, “Huyền khúc sông Hương” của Phạm Nguyên Tường; “Nhớ”“Ru mưa” của Lê Vĩnh Thái; “Truồi”, “Gánh cơm hến”“Mưa hoàng thành” của Ngô Công Tấn; “Huyền thoại dòng Hương” của Nhuỵ Nguyên; “Gởi người rời Huế”, “Trở lại Hoàng cung” của Đông Hà, “Trong tình yêu anh”“Khoảng lặng” của Châu Thu Hà… Không chỉ mang dấu ấn của vùng đất thơ mộng mà trong thơ của các tác giả trẻ Huế, ngôn từ cũng rất riêng, đặc trưng. Những từ ngữ: gởi, chi, chừ, …. vẫn được sử dụng ở một số bài thơ, ở một số tác giả.

Thứ hai, thơ trẻ ở Huế xuất phát điểm từ thơ truyền thống đến thơ tự do. Buổi đầu, đa phần họ chọn thể thơ truyền thống để chuyển tải các chủ đề về quê hương, tình yêu, tình bạn như: Phạm Nguyên Tường, Lê Tấn Quỳnh, Đông Hà, Ngô Công Tấn, Nhuỵ Nguyên, Nguyễn Lãm Thắng, Châu Thu Hà, Lưu Ly… Thơ còn ít đụng chạm đến các vấn đề bức xúc của cuộc sống, ít hướng đến chiều dài văn hoá, lịch sử. Tiếng nói trong thơ còn nhẹ, ngại sự đụng chạm, vì thế, chiều kích của cuộc sống chưa mở được hết biên độ. Lúc này, sáng tác của họ chưa đủ sức vang, đang còn lẫn vào bạt ngàn dòng chảy của thơ. Sau này, những năm gần đây, các cây bút trẻ có sự chuyển mình trong sáng tác rất rõ rệt. Họ mạnh dạn cởi tấm áo thơ chật hẹp và gò bó bấy nay, nhiều tác giả tự làm mới thơ mình. Những vấn đề nóng bỏng, thế sự ít nhiều được cài vào thơ. Nhờ thế, thơ giàu tính triết lý hơn. Nguyễn Lãm Thắng “nói nhiều về điều không thể nói”; Lê Tấn Quỳnh đớn đau trước thảm cảnh “nơi cái nhìn nhau cũng nhón mình tất tả”; Nhuỵ Nguyên tê tái lòng trước “những mảnh vỡ tội tình” trong thời bình; Fan Tuấn Anh “đi xa xăm về phía lãnh thổ của nỗi buồn và sự đớn đau trong trái tim loài người thơ dại”. Lưu Ly sống với “thế giới của những trò đùa, ngọt ngào và giả dối”. Đông Hà “cứ vương máu chảy” trước nỗi đau da cam của con người…

Thứ ba, cuộc sống khắc nghiệt của miền Trung cùng với đặc điểm kín đáo, tế nhị của người Huế ảnh hưởng đến tư duy thơ của lớp trẻ. Vì thế, thơ ca của họ luôn có sự thâm trầm, sâu lắng, phảng phất nét buồn cố đô. Đây là điểm khác biệt lớn so với thơ ca của các vùng khác. Phải chăng, vì thế mà phong cách táo bạo, dấn thân như Nguyễn Vĩnh Tiến, Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, Lưu Mêlan không hợp lắm đối với vùng đất này ? Thay vào đó người đọc có thể kì vọng vào những con đường đi khá “biệt” và lạ “Nơi hơi thở nhân gian chùng áp thấp/ Nơi đụng độ nơi đọa đày/ Nơi quật ngã không tiếc thương/ Nơi giật nổ/ Ớn rung/ Nguồn khởi động”(Quang gánh) của Phạm Nguyên Tường, nơi Hải Trung với “cơn mê loang lổ chân đê/ gió tung rơm điểm tô chân trời/ kim thời gian xoắn nguợc nụ cười/ đêm sâu vẹt mòn tiếng khóc” (Gọi những giấc mơ), nơi Nguyễn Lãm Thắng “có đôi mắt quắc sáng nhìn xuyên thủng huyền thoại” “thấy từng miếng thời gian gãy khúc trên chiếc lưỡi dối lừa”, nơi Văn Cầm Hải “…bước vào căn nhà bằng đôi chân cháy mòn hộ khẩu/ một tiếng ho choáng mùa/ nẩy màu đêm dậy” (Cánh cửa đỏ), nơi Lê Vĩnh Thái “buộc tên mình ném vào tháng ngày cũ rích để “cô đơn nhú lộc khắp phòng”, nơi Fan Tuấn Anh – “người mục đồng đi chăn thả nỗi buồn” kiến tạo, đối sánh tình yêu trong lớp trầm tích của thời gian-văn hóa, nơi Nhuỵ Nguyên “vén mặt kiếp người”, nơi Lê Tấn Quỳnh “lấy nỗi buồn thắt chỉ sông”… Sự biệt và lạ ấy chưa thật sự là một xu hướng của thơ trẻ Huế, chưa làm nên chất trẻ riêng có của Huế, nhưng có thể coi đó là dấu hiệu báo trước sự chuyển dòng.

Vẫn còn nhiều cây bút trẻ Huế sử dụng thể loại truyền thống (thơ lục bát, 5 chữ, 6 chữ…) như: Phạm Nguyên Tường, Hải Trung, Nhụy Nguyên, Đông Hà, Châu Thu Hà, Ngô Công Tấn… nhưng họ biết thổi vào thơ lối tư duy mới: “Tôi xin một chút hương thừa/ đem về đốt lấy lập chùa tu riêng/ Tu rằng một chút tình duyên/ Cũng đem hương khói qua miền gian truân” (Nhan sắc – Đông Hà); “Tôi ngồi đối bóng giấc mơ/ thấy mình như một câu thơ… liệm rồi” (Chiêu hồn - Nhuỵ Nguyên); … Xu hướng hiện đại, cách tân dần dần được nhiều cây bút trẻ như: Nguyễn Lãm Thắng, Fan Tuấn Anh, Lê Tấn Quỳnh, Luân Nguyễn, Lưu Ly…tìm đến. Linh hoạt hai trục: trục lựa chọn và trục kết hợp, các nhà thơ trẻ Huế sắp đặt, cát dán, lắp ghép ngôn từ rất hiệu quả. Văn Cầm Hải tinh tế trong từng mũi chỉ đường khâu của con chữ: “Mùi quế hương lưu vong/ tấm lưng trần liệm nắng/ ngọn râu khoai lườm nguýt mặt đất/ những bầu vú ra khơi vắt sữa mặt trời!” (Hoe chân lời). Hải Trung khảo cổ ngay trên “nền phế tích loang từ ngực thiếu phụ” để tìm: “từng lớp một.../ mảnh bom, mảnh đạn/ chiến tranh đi- những vết xước thân mình/ này bật lửa zippo/ này thắt lưng hoen rỉ/ mùi thuốc súng khét giữa bình minh” (Khảo cổ). Lê Vĩnh Thái “nuốt vào ngực quãng vắng đời mình” “để hiểu thêm tật nguyền tiềm ẩn. Nguyễn Lãm Thắng tập mở mắt nhìn thế giới phía giác độ người mù: “trong khối óc chứa nhiều gai nhọn/ những tế bào tê liệt bởi thời gian hoen ố/ lại bới đào để tìm thấy nhau trong từng miếng sứt cổ vật/ sự bành trướng đang nuốt một cách tham lam từng giọt muối biển/ thương dòng sông toát mồ hôi mấy ngàn năm” (Có thể nói nhiều về điều không thể nói)… Và/với một Nguyễn Lãm Thắng hiện đại, táo bạo trong cách viết: “những đám mây xám toa rập/ chúng có thể cười toang hoác dưới bầu trời ngột/ và tự đứt ra từng khúc nhão nhoẹt/ có một con đường chúng đã chọn/ và bay không lối thoát/ có những lúc chúng bay giật lùi mơ hồ/ có những lúc chúng quần nhau che giấu sự dối trá/ có những lúc chúng nâng đỡ nhau tiếp sức nhau bằng những bàn tay lọc lừa ánh sáng/ chúng đã tìm ra cái rốn của sự đoàn kết đó là vòng xoáy có thể nhận chìm những hạt bụi nhẹ dạ/ và đến lúc chúng tự cấu xé hạ bệ nhau trong vòng xoáy lạnh lùng khát máu ấy” (Những đám mây xám). Nguyễn Lãm Thắng đã và đang đưa cái mới, cái khác, giọng điệu riêng cho thơ trẻ Huế.

Tuy bước đầu đã làm nên cái lạ, cái biệt, đang đẩy những vấn đề thiết thực của đời sống vào trong thơ thay vì mải miết kiếm tìm ở những đề tài cũ, quen thuộc, nhưng bệ phóng của thơ trẻ Huế chưa thực sự trở thành làn sóng. Những cây bút triển vọng thường tham gia sân chơi ở các trang mạng, ít hội tụ ở báo viết và in thành sách để bạn đọc rộng đường tiếp cận. Điều này cũng tác động hai chiều đến sự phát triển và diện mạo thơ trẻ Huế.

Thực ra, con đường mà các tác giả trẻ Huế đi cũng không lạ, mới so với những cây bút trẻ của cả nước. Khuynh hướng tự do, ấn tượng, lập ngôn ngay từ lúc cầm bút, như ở hai đầu đất nước, thì thơ Huế chưa trội. Hai xu hướng thơ truyền thống và thơ hiện đại vẫn tồn tại song song trong đội ngũ thơ trẻ Huế tạo nên diện mạo riêng: vừa cổ kín, thâm trầm vừa tươi trẻ, mạnh bạo. Khi chất sống, nhựa sống, hơi thở của thời đại đi vào thơ, thơ trẻ Huế đang dần dần vươn đến cái mới, có những tìm tòi, thể nghiệm về mặt nội dung lẫn hình thức. Dẫu chưa có hiện tượng gây xôn xao thi đàn như thơ trẻ Bắc, Nam, song những gì mà thơ thơ trẻ Huế đã và đang có đã khẳng định/đại diện sức trẻ của thơ miền Trung. Những nét riêng và chung của thơ trẻ Huế vừa góp phần vào sự phát triển của thơ Việt Nam, vừa minh chứng tiếng nói riêng của vùng đất nắng gió.

Đồng Hới, 15-10-2011

H.T.A

Nguồn: Văn nghệ Trẻ

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

THƠ GIANG HỒ,NHƯ NHỮNG NGỌN GIÓ,KHÔNG NGỪNG PHIÊU LÃNG


"Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà"

Chẳng cần phải rà soát trong trí nhớ, nhiều người đã bật lên hai câu này mỗi khi chén thù chén tạc; lúc đắc chí vỗ đùi cười rơi nước mắt; khi một mình dạ hành nơi đất khách lạ xa…

Thơ của ai? Chẳng biết là thơ của ai. Chỉ biết rằng thơ hay quá, đọc lên nghe đã đời, sảng khoái cả tâm hồn, mà như một lời an ủi, ngọt dịu. Thơ ai vậy ta? Người đinh ninh thơ Nguyễn Bính. Kẻ đồ chừng thơ Nguyễn Duy. Có người lại "chắc cú" rằng thơ của Bùi Chí Vinh v.v… Thưa rằng chẳng phải. Người có hai câu thơ rất nổi tiếng trên "giang hồ" mà tên tuổi lại… hơi "mơ hồ" trên văn đàn đó chính là thi sĩ Phạm Hữu Quang quê Bắc Đuông, Thốt Nốt, Cần Thơ.

Phạm Hữu Quang sinh năm 1952, từng học Đại học Sư phạm với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh rồi chuyển về Đại học Cần Thơ. Ra trường, đi dạy vài ba năm rồi chuyển qua làm văn nghệ (Hội VHNT An Giang). Theo mô tả của nhà thơ Trần Hữu Dũng thì Phạm Hữu Quang có vóc người thấp đậm, râu ria xù xì như con gấu. Con người có bài thơ "Giang hồ" nghe "dữ dằn" vậy mà hiền khô, lại rất siêng làm thơ thiếu nhi. Bài thơ "Giang hồ", Phạm Hữu Quang viết tháng 5/1991. Anh mất ngày 28/4/2000, vừa đúng 49 tuổi (bốn chín chưa qua…).

Sau khi Phạm Hữu Quang mất, bạn bè thi hữu "kẻ góp của, người góp công" đã in cho anh một tập thơ có tên "Ngẫu hứng chiều sông Hậu". Nói cho đúng, thơ Phạm Hữu Quang không nhiều. Nhưng anh có bài "Giang hồ" quá xuất thần, dường như ai chỉ cần nghe đọc một lần là cũng có thể thuộc vài câu. Tất nhiên bài "Giang hồ" không chỉ có hai câu hay, mà còn có nhiều câu thấm thía, ví dụ:

"Giang hồ ba bữa buồn một bữa
Thấy núi thành sông biển hóa rừng…"

Ồ! Thì ra xưa nay, người rong ruổi giang hồ cũng không phải là hiếm, nhưng mới đi ba bữa đã sầu một bữa, quặn lòng mình để cho thơ lên ngôi thì cũng chỉ riêng thi sĩ thứ thiệt mới có. Thật ra, giang hồ - xê dịch - rong chơi; nó vừa là hành động vừa là ý niệm của người thơ. Dấn thân để được đi mãi trên con đường sáng tạo luôn là ước muốn lớn lao của những ai làm nghệ thuật. Nhà thơ Thế Lữ từng viết: "Ta là một khách chinh phu/ Dấn bước truân chuyên khắp hải hồ". Thấy chưa? Giang hồ, đâu phải chỉ "đã đời sông núi" riêng mình, mà đôi khi nó là sứ mệnh.

Bước chân giang hồ lắm khi cũng là định mệnh của không ít nhà thơ. Thi sĩ Nguyễn Bính có khá nhiều bài thơ thấm đượm cái phong vị của kẻ giang hồ thứ thiệt. Nhưng, có thể nói bài thơ "Hành phương Nam" của Nguyễn Bính được xem là một bài thơ giang hồ hay nhất, nổi tiếng nhất của ông. Nó như một cuốn "nhật ký" của thi sĩ trên đường lưu lạc vào phương Nam:

"… Ta đi nhưng biết về đâu chứ
Đã dấy phong yên khắp bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi!".

Ở chợ Đa Kao - Sài Gòn, năm 1943, Nguyễn Bính viết bài thơ này. Bây giờ đọc lại vẫn thấy hay, thấm thía một nỗi buồn. Còn gì buồn hơn là ngồi say giữa chợ? Giữa chốn đông mà nào có ai thân? Có một chi tiết trùng hợp khá thú vị là: Nguyễn Bính cũng mất năm 49 tuổi, bằng số tuổi mà Phạm Hữu Quang "tạm trú" trên cõi đời. Mất ở tuổi ấy, thường coi như là "chết yểu", nhưng kỳ lạ thay, thơ của họ lại có sức sống vượt thời gian.--

Thơ giang hồ, thường là kết quả của những chuyến xê dịch. Sau những cuộc rong ruổi thỏa chí tang bồng là một niềm thương nhớ da diết. Đi chỉ là một phương thức nhằm thay đổi bối cảnh, không gian sống, chứ cũng khó lòng mà thay đổi tâm trạng, số phận. Thi sĩ Đynh Trầm Ca có hai câu thơ giang hồ rất tuyệt:

"Giang hồ nào có ai phong ấn/
Mà cũng từ quan, trở lại quê".

Và, thi sĩ Linh Phương cũng từng cho "xuất xưởng" một bài thơ có tựa "Giang hồ" khá hay:

"Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
Vẫn thấy lòng đau rứt ruột đau
Thèm nghe tiếng dế thời thơ ấu
Ngắm cánh diều bay giữa vô cùng".

Người ra đi bao giờ cũng mong được quay trở về. Xét cho cùng, sự trở về trọn vẹn nhất là trở về với hồn nhiên ấu thơ. Khi hồn ta còn tràn ngập tình thương trong sáng, khi đầu óc ta còn chưa mắc kẹt vào những dự án, toan tính bộn bề, mỏi mệt. Nhưng, làm sao quay ngược cây kim thời gian? Linh Phương thảng thốt:

"Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
Thầm hẹn mai này qui cố hương
Ta về làm bạn cùng chim chóc
Lẫn với muỗi mòng chín cửa sông".

Có đôi người đọc bài thơ "Giang hồ" này thích quá, bèn gọi điện thoại hỏi tôi có biết tung tích của thi sĩ? Linh Phương là chị hay anh? Tôi không biết nhiều lắm. Nhưng chắc chắn một điều, thi sĩ Linh Phương đích thị là… đàn ông; hiện sống ở Rạch Giá - Kiên Giang.
Giang hồ. Ừ nhỉ! Tại sao không giang hồ? Có ai cấm ta giang hồ? Dù chỉ là giang hồ vặt. Nhưng nói đến giang hồ thứ thiệt "chính tông" thì phải nói đến thi sĩ Bùi Giáng. Cái giang hồ của Bùi Giáng không chỉ tính ở dặm dài xê dịch mà nó nằm ngay trong bản thể của thi sĩ. Ông "đi vắng" ngay cả khi ông tồn tại. Ông ở đây mà hồn ở đâu. Ông quên lãng ngay chính bản thân, chính tên tuổi mình:
"Hỏi tên rằng biển xanh dâu
Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa…".

Bùi Giáng rong chơi mải miết, rong chơi đến độ "quên cả đường đi lối về". Nhưng, trên con đường rong chơi của thi sĩ bao giờ cũng kè theo một "túi thơ" bên mình:
"Rong chơi râu tóc bạc phơ
Còn nghe đắm đuối vần thơ yêu người…".

Nói đến chuyện rong chơi của trung niên thi sĩ thì có lẽ còn nói… đến khuya. Người bảo Bùi Giáng điên. Kẻ nói Bùi Giáng nào điên, chỉ giả vờ. Người kêu Bùi Giáng loạn chữ. Kẻ nói Bùi Giáng "múa chữ" như làm xiếc v.v… Mỗi người mỗi ý. Nhưng rốt lại, Bùi Giáng vẫn là thi sĩ "một trăm phần trăm". Với thơ, ông chỉ định "đùa chơi" một tẹo. Nhưng rồi:
"Ta cứ ngỡ đùa vui trong chốc lát
Nào ngờ đâu đùa mãi đến điêu linh".

Thì đấy, "giang hồ muôn nẻo điêu linh". Giang hồ nào phải dành cho cho kẻ yếu bóng vía; ngán sóng, sợ gió. Nghe người giang hồ đã mê, đọc thơ giang hồ càng sướng. Thơ giang hồ còn nhiều. Trong một chốc, một lát; một buổi, một ngày không thể nào nhớ hết, liệt kê ra đầy đủ. Đó là chưa kể có nhiều bài thơ giang hồ còn nằm trong dân gian.

Thơ giang hồ như những ngọn gió không ngừng phiêu lãng. Thổi phóng túng vào tâm hồn những ai yêu thơ, yêu đời sống thiệt tình (!)


(http://vnca.cand.com.vn/">http://vnca.cand.com.vn/ )

PHẠM HỮU QUANG
GIANG HỒ

Tàu đi qua phố , tàu qua phố
Phố lạ mà quen ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi , trèo thang với … giặt đồ

Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi ta chỉ có tay không
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa trắng cả lòng

Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình

Giang Hồ có bữa ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chửa chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
Đếm thấy thừa ra một gốc si

Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa thưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ . Thôi . Trời đất cứ liêu xiêu

Giang hồ ta chẳng hay áo rách
Sá gì chải lược với soi gương
Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc
Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường

Giang hồ ba bữa buồn một bữa
Thấy núi thành sông biển hoá rừng
Chân sẵn dép giày trời sẵn gió
Ngựa về . Ta đứng . Bụi mù tung …

Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà


LINH PHƯƠNG
GIANG HỒ

Giang hồ từ thuở ta thất thế
Chí lớn không thành- thà ẩn cư
Viễn xứ. Ờ ! Thôi thì viễn xứ
Hết đời phiêu bạt chốn quê xa

Mẹ xưa vốn quen mùi rơm rạ
Đốt đồng khô khói phủ che trời
Hoàng hôn mỏi mắt. Chiều châu thổ
Vẳng tiếng kêu đò bên bến sông

Cha xưa cầm súng ra đánh trận
Bỏ xác trên rừng mấy mươi năm
Lần đi đưa tiễn- tay chưa nắm
Vạt áo che ngang mẹ khóc thầm

Em xưa kẹp tóc thề vội lớn
Cứ ngỡ tình xanh mãi biếc xanh
Tương tư xếp lá đôi bờ mộng
Mơ bóng trăng khuya- tiếng nguyệt cầm

Ta xưa thắp nến chờ đêm xuống
Đợi hồn thiêng khuất nẻo cha về
Mộ bia hiu quạnh. Ngày dâu bể
Phách lạc đâu còn chỗ nương thân

Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
Vẫn thấy lòng đau rứt ruột đau
Thèm nghe tiếng dế thời thơ ấu
Ngắm cánh diều bay giữa vô cùng

Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
Thầm hẹn mai này quy cố hương
Ta về làm bạn cùng chim chóc
Lẫn với muỗi mòng chín cửa sông

NGUYỄN BÍNH
HÀNH PHƯƠNG NAM

Hai ta lưu lạc phương Nam này
Trải mấy mùa qua én nhạn bay
Xuân đến khắp trời, hoa rượu nở
Riêng ta với ngươi buồn vậy thay !

Lòng đắng sá gì non hớp rượu
Mà không uống cạn, mà không say ?
Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã
Mà áo khinh cừu không ai may

Ngươi giam chí lớn vòng cơm áo
Ta trói thân vào nợ nước mây
Ai biết thương nhau từ thuở trước
Bây giờ gặp nhau trong phút giây

Nợ tình chưa trả tròn một món
Sòng đời thua đến trắng hai tay
Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Trông lại tha hồ mây trắng bay

Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc
Phân tán vì cơn gió bụi này
Ngươi đi buồn lắm mà không khóc
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy

Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết
Ngày mai ra sao rồi hãy hay
Ngày mai sán lạn màu non nước
Cốt nhất làm sao tự buổi này

Rẫy ruồng châu ngọc, thù son phấn
Mắt đỏ lên rồi cứ chết ngay
Hỡi ơi Nhiếp Chính mà băm mặt
Giữa chợ ai người khóc nhận thây

Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay ?
Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự
Hài cỏ gươm cuồng ta đi đây

Ta đi, nhưng biết về đâu chứ ?
Đã dấy phong yên lộng bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ,
Uống say mà gọi thế nhân ơi !

Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười
Người ơi ! Hề người ơi !
Người sang bên ấy sao mà lạnh
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi

từ blog VT